Tương tác xã hội quan trọng với trẻ thế nào?

Linh Dam
14 min readFeb 19, 2021

--

Chúng ta không được sinh ra để trải qua cuộc sống này một cách đơn độc. Các mối quan hệ lành mạnh và hệ thống hỗ trợ của xã hội đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người, và những tương tác này bắt đầu từ thời thơ ấu.

Các mối liên hệ xã hội này vượt xa hơn việc không cảm thấy “cô đơn”, mà chúng là gốc rễ để có những phát triển lành mạnh, bắt đầu từ thời thơ ấu với trẻ. Các kết nối xã hội tích cực với những người khác ở mọi giai đoạn của cuộc đời giúp con người phát triển lành mạnh, cả về thể chất và tinh thần. Hãy nhớ rằng, trẻ học bằng cách noi gương và khi chúng chứng kiến các mối quan hệ tích cực hoặc được hỗ trợ về mặt tình cảm, những hành vi được quan sát này sẽ hỗ trợ các kỹ năng cảm xúc và nhận thức sau này của trẻ.

Từ một đứa trẻ sơ sinh, đến giai đoạn tập đi, rồi lớn thành thiếu niên và thực sự trưởng thành, các kết nối xã hội của chúng ta sẽ dịch chuyển và thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, qua mỗi giai đoạn phát triển, sẽ có những nhu cầu cụ thể về tinh thần và hành vi được đáp ứng thôi qua quá trình tương tác.

Thời thơ ấu

Tương tác xã hội liên quan mật thiết đến sự phát triển cảm xúc trong giai đoạn sơ sinh của trẻ. Các kết nối cính của con bạn với thế giới bên ngoài ở độ tuổi này hoàn toàn thông qua bạn- những người chăm sóc chính cho trẻ. Đặc biệt, là những cá nhân trong môi trường của đứa trẻ sơ sinh, người chăm sóc, cho ăn, uống, bảo vệ, và tương tác với chúng hàng ngày chính là những người đang đáp ứng các nhu cầu này từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi.

Trẻ sơ sinh sẽ phát triển lòng tin và tình yêu đối với người chăm sóc của chúng vì chúng được yêu thương và nuôi dưỡng hoặc chúng sẽ phát triển sự thờ ơ và không tin tưởng với những người không đem đến tình yêu và nuôi dưỡng với chúng. Trong giai đoạn này, sự phát triển lành mạnh với trẻ gần như xoay quanh việc gắn bó và kết nối giữa cha mẹ và con cái.

Nếu những trải nghiệm kết nối tích cực không xảy ra, con đường cần thiết trong não bộ trẻ về một trải nghiệm kết nối bình thường và lành mạnh có thể bị đánh mất hoàn toàn. Đã có những trường hợp nghiên cứu đáng buồn về việc những đứa trẻ trải qua những năm đầu đời với việc bị hạn chế về tiếp xúc, những người mà sau này đã chứng tỏ sự thiết hụt về phát triển cảm xúc khi không được trải nghiệm sự yêu thương, giao tiếp và sự chú ý. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng của trẻ sẽ bị phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc và quan tâm mà chúng nhận được từ những người chăm sóc chúng những năm tháng đầu đời.

Không chỉ có sự phát triển cảm xúc của trẻ bị cản trở do thiếu kết nối xã hội, mà sự phát triển thể chất của não bộ cũng có thể bị cản trở. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra sự giảm phát triển ở bán cầu não trái, điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ trầm cảm ở những trẻ bị bỏ rơi hoặc trải qua những kết nối không an toàn một cách cực đoan khác trong những năm tháng đầu đời. Ngoài ra, những trẻ này có thể trở nên nhạy cảm hơn với hệ thống biên điều có thể dẫn đến các rối loạn lo âu và giảm sự phát triển ở vùng hãi mã- nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm khả năng học tập và ghi nhớ.

Câu hỏi phổ biến nhất các bậc cha mẹ đặt ra khi họ hiểu ra tác hại của những kết nối không an toàn này là: Làm sao tôi có thể trở nên gắn bó một cách có chủ ý với con? May mắn thay, hầu hết những thứ liên quan đến việc tạo ra một tương tác xã hội tích cực với con trong khoảng thời gian này đa phần đơn giản.

Ngay cả khi đó chỉ là việc đáp ứng nhu cầu thức ăn, thay bỉm, ngủ cũng góp phần đáng kể vào sự phát triển của trẻ. Các bí quyết khác có thể bao gồm hát, ôm ấp, vỗ tay, chơi đùa, nằm sấp, chơi trò chuột túi, da kề da, vỗ về khi con khóc, đọc sách cho con, kết nối bằng mắt, bế ẵm, chăm sóc con với đồ ăn ngon và hơn thế nữa.

Trẻ nhỏ

Trong khi nhu cầu chính của trẻ sơ sinh về kết nối xã hội được đáp ứng thông qua các kết nối với người chăm sóc chính, trẻ nhỏ bắt đầu có thêm các mối quan hệ bên ngoài gia đình. Tương tác với những đứa trẻ khác ở độ tuổi của chúng (thông qua nhà trẻ, lớp mẫu giáo, lớp học Chủ nhật, các sự kiện khác) sẽ giúp trẻ trưởng thành trong chính khả năng tương tác với người khác ngoài xã hội.

Một cụm từ phổ biến giữa các nhà trị liệu trẻ em hay nhắc đến là “Người lớn nói chuyện, trẻ em chơi đùa”. Tóm lại, trẻ em không phải lúc nào cũng có thể nói ra suy nghĩ, cảm xúc và kinh nghiệm của mình, nhưng chúng có thể thể hiện qua chơi đùa. Chơi đùa là một công cụ vô cùng tuyệt vời để trẻ có thể học hỏi, tương tác và phát triển.

Loại trò chơi đầu tiên mà trẻ nhỏ thường tham gia chơi là chơi song song. Đây là khi những đứa trẻ chơi bên cạnh nhau mà không thực sự tương tác với nhau. Tuy nhiên, khi chúng bắt đầu vượt qua những mối quan hệ xã hội ban đầu này, chúng bắt đầu chơi hợp tác hơn. Trong các trò chơi hợp tác, trẻ nhỏ tương tác trong một nhóm nhỏ với cùng một hoạt động. Những thực hành ban đầu của trò chơi hợp tác bao gồm chơi “đóng vai” (ví dụ đóng vai đầu bếp nấu ăn trong bếp, đóng vai nói chuyện điện thoại hoặc chơi trò “gia đình”).

Trẻ em bắt đầu tập chơi kiểu này ngay từ khi mới biết đi và sau đó đạt đến đỉnh cao đối với phần lớn trẻ từ 4- 5 tuổi. Ngoài ra, khi trẻ nhỏ bắt đầu phát triển các kỹ năng xã hội với các bạn đồng trang lứa, chúng thường sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn “chơi thô bạo và nhào lộn”. Điều này có thể bao gồm các trò chơi như đua xe, chạy, leo núi, đấu vật hoặc cạnh tranh. Giai đoạn này đóng vai trò quan trọng vì trẻ đang phát triển các kỹ năng xã hội (chẳng hạn như học cách chơi thay phiên nhau và tuân theo các quy tắc nhóm cũng như chuẩn mực xã hội đơn giản).

Trong thời thơ ấu, bạn bè cùng trang lứa sẽ bắt đầu coi nhau là bạn của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là khái niệm “tình bạn” vẫn là một mối quan hệ rất cụ thể, cơ bản. Ở giai đoạn phát triển này, tình bạn chỉ đi xa khi chia sẻ đồ chơi và chơi cùng nhau, chứ không phải là những phẩm chất liên quan của sự đồng cảm và hỗ trợ mà thanh thiếu niên và người lớn phát triển. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những tình bạn ban đầu này không đóng vai trò quan trọng. Trên thực tế, Paul Schwartz, giáo sư tâm lý học và chuyên gia về hành vi trẻ em, một trong số nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh vô số lợi ích của tình bạn thời thơ ấu. Anh ấy nói:

“Tình bạn đóng góp đáng kể vào việc phát triển các kỹ năng xã hội, chẳng hạn như nhạy cảm với quan điểm của người khác, học các quy tắc trò chuyện và hành vi phù hợp với lứa tuổi. Hơn một nửa số trẻ em được chỉ ra có các vấn đề về hành vi cảm xúc cho thấy những trẻ này hầu như không có bạn bè hoặc cảm thấy khó tương tác với bạn bè cùng trang lứa…

Bạn bè cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết quả học tập tích cực và tiêu cực của trẻ và cũng có thể giúp khuyến khích hoặc ngăn cản những hành vi lệch lạc. So với những đứa trẻ thiếu bạn bè, những đứa trẻ có bạn bè “tốt” có lòng tự trọng cao hơn, hành động xã hội hơn, có thể đối phó với những căng thẳng và chuyển đổi trong cuộc sống, và cũng ít trở thành nạn nhân của các bạn cùng lứa tuổi hơn ”.

Ngay cả tình bạn ở trường mầm non cũng hữu ích trong việc phát triển các kỹ năng xã hội và tình cảm, tăng cảm giác thân thuộc và giảm căng thẳng. Không thể bỏ qua những lợi ích to lớn của các kết nối xã hội trong thời thơ ấu!

Dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể giúp con mình phát triển các mối quan hệ tích cực, lành mạnh và có lợi:

  • Làm gương về việc có những kỹ năng tình bạn tốt
  • Khuyến khích những tình bạn quan trọng đối với con bạn
  • Thiết lập các ngày chơi
  • Tôn trọng tính cách và sở thích của con bạn
  • Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì kết nối
  • Hỏi xem bạn bè của con bạn là ai ở trường và nhà trẻ
  • Giúp con bạn phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và giải quyết xung đột
  • Làm gương về đồng cảm và lòng trắc ẩn
  • Khuyến khích con bạn bắt đầu những tình bạn mới và duy trì những tình bạn hiện có
  • Nói chuyện với con bạn về thời điểm thích hợp hoặc cần thiết để kết thúc một tình bạn và cách làm như vậy một cách tôn trọng
  • Trò chuyện về bắt nạt và lòng tốt

Nhìn chung, bạn càng nói nhiều với con về cách trở thành một người bạn tốt, thì chúng càng có nhiều bạn tốt. Các kỹ năng học được thông qua kết nối xã hội trong thời thơ ấu không chỉ quan trọng đối với tình bạn hiện tại của chúng mà còn là nền tảng đối với các mối quan hệ trong tương lai của con bạn.

Tuổi vị thành niên

Khi trẻ chuyển sang tuổi vị thành niên, chúng bắt đầu dành ít thời gian hơn cho cha mẹ và anh chị em của chúng và nhiều thời gian hơn trong môi trường xã hội. Do đó, tình bạn với bạn bè đồng trang lứa ngày càng trở thành một nguồn kết nối xã hội quan trọng và đặc điểm mối quan hệ xã hội của thanh thiếu niên có liên quan cao đến tâm lý phát triển. Trong giai đoạn vị thành niên, các tương tác ngang hàng được cho là có tầm quan trọng lớn nhất đối với hoạt động xã hội và hành vi của cá nhân.

Khi một trẻ vị thành niên có tình bạn lành mạnh, trẻ thực sự có thể gặt hái được nhiều lợi ích. Tình bạn tích cực mang lại cho trẻ vị thành niên sự hỗ trợ, đồng hành và cảm giác thân thuộc. Chúng cung cấp các cơ hội để phát triển các kỹ năng xã hội. Ví dụ, thanh thiếu niên học cách hợp tác với người khác, giao tiếp hiệu quả, giải quyết xung đột và chống lại áp lực tiêu cực của bạn bè (tất nhiên các mối quan hệ cũng có thể khiến trẻ nản lòng hoặc củng cố các hành vi lành mạnh).

Bằng chứng cũng cho thấy rằng tình bạn tích cực ở tuổi vị thành niên có thể tạo nền tảng cho các mối quan hệ trưởng thành thành công (bao gồm cả các mối quan hệ lãng mạn). Con bạn đang học cách tạo dựng, duy trì và kết thúc các mối quan hệ và chúng có thể rèn luyện tính trung thực, từ bi và đáng tin cậy trong khi làm như vậy. Khi trẻ phát triển bản sắc riêng của mình trong mối quan hệ với thế giới xung quanh, tình bạn lành mạnh mang lại cho trẻ sự hỗ trợ, đồng hành và cảm giác thân thuộc.

Những thanh thiếu niên có tình bạn hỗ trợ cũng có nhiều khả năng học tốt ở trường và được trang bị nhiều hơn để định hướng và phục hồi sau những thử thách trong cuộc sống. Mối quan hệ với trẻ cùng lứa tuổi đặc biệt quan trọng trong thời gian khó khăn của trẻ, vì chúng mang lại cảm giác thân thuộc và giảm bớt trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Cảm giác gần gũi trong tình bạn về bản chất có liên quan đến việc tăng khả năng phục hồi.

Nhìn chung, tuổi vị thành niên là giai đoạn thay đổi nhanh chóng. Cơ thể con bạn không chỉ phát triển và thay đổi về mặt sinh lý mà còn phát triển về mặt xã hội và tình cảm. Tình bạn trở nên phức tạp hơn khi thanh thiếu niên nhìn nhận chúng một cách trừu tượng hơn, thông qua mối quan hệ trao đổi “cho và nhận”, cũng như một hệ thống hỗ trợ xã hội thực sự. Đối với cả trẻ em gái và trẻ em trai, tình bạn ở tuổi vị thành niên gắn bó nhiều hơn về mặt tình cảm so với chỉ vài năm trước đó. Do đó, các mối quan hệ đồng trang lứa cũng có thể là một nguồn gây ra căng thẳng và lo lắng phổ biến.

Áp lực từ bạn bè đồng trang lứa có thể có tác động tiêu cực đến một cá nhân, chẳng hạn như khi những trẻ khác thuyết phục con bạn thử hút thuốc hoặc uống rượu. Dưới đây là một số mẹo (được điều chỉnh bởi những lời khuyên do các nhà nghiên cứu tại Cleveland Clinic cung cấp) để giúp giảm ảnh hưởng tiêu cực của áp lực bạn bè trong các tương tác xã hội của thanh thiếu niên:

  • Tạo mối quan hệ bền vững và gắn bó với con bạn, bạn nên khuyến khích con cái cởi mở với bạn và giao tiếp trung thực.
  • Thảo luận về tác động tiêu cực của áp lực bạn bè với con bạn, vì chúng sẽ chuẩn bị tốt hơn để nói không và chống lại những ảnh hưởng tiêu cực.
  • Củng cố các giá trị quan trọng đối với bạn và gia đình bạn.
  • Dạy con bạn tầm quan trọng của việc quyết đoán khi cần thiết.
  • Cho con bạn nhiều không gian.
  • Đừng là một bậc cha mẹ bám đuổi trong việc quan tâm mọi hành động của con họ.
  • Bạn không thể mong đợi con làm chính xác như bạn nói.
  • Mong đợi sự hoàn hảo từ con là chuẩn bị cho thất bại.
  • Thay vì chỉ nói cho con bạn biết phải làm gì, hãy cố gắng lắng nghe trước và thấu hiểu được quan điểm của chúng.
  • Thực hiện kỷ luật, cấu trúc, ranh giới và đề ra hậu quả đối với các hành động tiêu cực hoặc hành vi có hại từ con.

Ngoài ra, một điều tốt nhất bạn có thể làm cho con mình và các mối quan hệ xã hội của chúng ở tuổi vị thành niên là nuôi dưỡng và khuyến khích các khả năng, điểm mạnh, bản sắc và lòng tự trọng của con bạn. Làm như vậy, con sẽ không dễ bị ảnh hưởng bởi những ảnh hưởng của người khác. Ngoài ra, việc phát triển một hình ảnh bản thân tích cực là rất quan trọng đối với các mối quan hệ tích cực khi con bạn chuyển từ tuổi vị thành niên sang thanh niên. Dưới đây là một số điều thiết thực mà bạn có thể làm để xây dựng lòng tự trọng ở tuổi thiếu niên:

  • Cung cấp những lời động viên cho con bạn mỗi ngày. Việc nhận ra và thừa nhận những điều con bạn làm là đúng, chứ không chỉ là sai lầm của chúng là rất quan trọng. Hãy xác nhận chúng thường xuyên! Xác định tài năng và thành công của chúng sẽ giúp con bạn học cách tập trung vào điểm mạnh của chúng.
  • Mặt khác, hãy đảm bảo đưa ra những lời phê bình mang tính xây dựng. Phản hồi là điều cần thiết để tăng trưởng. Sẵn sàng có những cuộc trò chuyện khó khăn và cố gắng làm điều đó một cách duyên dáng.
  • Cho phép con bạn mắc lỗi. Không chỉ bảo vệ quá mức hoặc đưa ra quyết định đối với thanh thiếu niên có thể bị coi là thiếu niềm tin vào khả năng của họ, mà còn không cho phép sự tự tin của họ phát triển. Đôi khi, những bài học tốt nhất của chúng ta được học từ thất bại. Thời gian và địa điểm an toàn nhất để thất bại nên là khi chúng vẫn được bạn chăm sóc như cha mẹ của chúng.
  • Bắt đầu cuộc trò chuyện về lòng tự trọng, danh tính, giá trị và hình ảnh bản thân, cũng như tại sao những điều này lại quan trọng.

Nhìn chung, Tiến sĩ Bruce Perry, một bác sĩ tâm thần trẻ em, đã nói tốt nhất khi ông tuyên bố trong một nghiên cứu:

“Trẻ càng có nhiều mối quan hệ lành mạnh thì càng có nhiều khả năng phục hồi sau chấn thương và phát triển. Các mối quan hệ là tác nhân của sự thay đổi và liệu pháp mạnh mẽ nhất chính là tình người ”.

Bất kể con bạn đang ở giai đoạn phát triển nào, việc khuyến khích kết nối xã hội là rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và sức khỏe hiện tại và tương lai của chúng. Mối quan hệ yêu thương thực sự có sức mạnh trong cuộc sống của một đứa trẻ và với tư cách là cha mẹ, chúng ta phải nhớ rằng loại tình yêu này bắt đầu từ gia đình.

Nguồn: https://www.all4kids.org/news/blog/social-connection-on-child-development/

Linh Đàm

Bài viết gốc tại đây.

— — — — — — — — — — — — — — — — — –

Bài viết thuộc bản quyền Linhdam.Co. Chào đón chia sẻ của độc giả.

Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc linhngocdam@gmail.com.

Post navigation

--

--

Linh Dam
Linh Dam

No responses yet